Những Kỹ Năng Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Quan Trọng Mà Mẹ Bầu Cần Biết
Chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi sự cẩn thận, kiên nhẫn và tình yêu thương từ các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mới làm cha mẹ lần đầu. Dưới đây là những kỹ năng quan trọng mà mẹ bầu cần biết để chăm sóc bé sơ sinh một cách tốt nhất.
1. Cách Bế Trẻ Sơ Sinh
Khi em bé mới chào đời, việc bế bé đúng cách là rất quan trọng vì cổ bé còn yếu. Trong giai đoạn từ 1 đến 2 tháng tuổi em bé mới chào đời nên cơ thể còn rất non nớt. Vậy nên khi bế bẹ cha mẹ cần phải vô cùng cẩn trọng. Trong thời điểm này ưu tiên bế em nằm ngang, không nên bế vác vai.
Khi mẹ bế ngang sẽ giảm được trọng lượng phần đầu của bé dồn xuống. Trường hợp mẹ muốn vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú thì cần áp sát em bé dựa vào thân của mình. Để đầu của em bé được dựa vào vai một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bé mẹ cần hạn chế tối đa cách bế như này. Để bế bé đúng cách, cha mẹ cần:
- Đặt một tay dưới cổ bé để hỗ trợ đầu và cổ, tay còn lại đỡ hông bé.
- Cẩn thận với các điểm mềm trên đầu bé, hạn chế chạm vào khu vực này.
- Giữ bé gần ngực của cha mẹ để bé cảm thấy an toàn và thoải mái.
2. Cách Quấn Khăn Trẻ Sơ Sinh Để Bé Ngủ Say Giấc
Khi còn trong bụng mẹ, thân nhiệt của bé cao hơn thân nhiệt người mẹ từ 0,5 - 1 độ C. Bé được sinh ra sẽ cảm thấy bị lạnh, bởi sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột giữa môi trường bên ngoài với trong bụng mẹ. Lúc này, việc quấn khăn cho bé sẽ giúp bé giữ ấm thân thể tốt hơn và không bị sốc nhiệt. Trong suốt thời gian thai kỳ, bụng của mẹ giống như tổ kén ấm áp bao bọc và bảo vệ thai nhi. Việc tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài sẽ khiến bé chưa thích nghi được. Quấn khăn giúp bé cảm thấy bình tĩnh và an toàn hơn và từ từ làm quen với thế giới bên ngoài. Để quấn khăn đúng cách, mẹ cần:
- Chuẩn bị một chiếc khăn mềm mại, kích thước 70x70cm.
- Trải khăn theo hình thoi, gấp góc trên cùng xuống khoảng 20cm.
- Đặt bé nằm vào giữa khăn, giữ lưng và cổ bé trên mép gấp.
- Quấn góc khăn trái qua tay phải và cơ thể bé, sau đó gài khăn lại.
- Gập phần dưới của khăn lên và vòng qua người bé.
3. Cách Giúp Bé Ợ Hơi
Vỗ lưng giúp bé ợ hơi sau khi bú là một kỹ thuật tuy đơn giản nhưng mang lại rất nhiều lợi ích. Các bé được vỗ lưng ợ hơi sau khi bú thường xuyên sẽ giảm được tình trạng ọc sữa, đầy hơi, nôn trớ, bé sẽ bú được nhiều sữa hơn, ít quấy khóc và ngủ ngon hơn.
Để giúp bé ợ hơi, mẹ hãy thực hiện như sau:
- Giữ bé trên ngực, cằm bé đặt trên vai mẹ, và nhẹ nhàng xoa hoặc vỗ lưng bé.
- Hoặc đặt bé nằm trên hai chân mẹ, giữ cằm bé ngẩng cao và xoa hoặc vỗ lưng bé nhẹ nhàng.
4. Cách Cho Bé Bú Mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng từ đạm, chất béo và khoáng chất, đặc biệt sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. Sữa mẹ không có các thành phần protein lạ nên sẽ không gây dị ứng cho trẻ. Chính vì thế, các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, còi xương hơn và thường có sức đề kháng tốt hơn so với những đứa trẻ khác.
Mẹ cần biết cách cho bé bú đúng cách:
Cách bế trẻ khi cho bú:
- Đầu và người của bé nằm trên một đường thẳng.
- Mặt của bé quay vào bầu vú, mũi bé đối diện với núm vú.
- Mẹ bế bé vào người và nhìn bé âu yếm hoặc trò chuyện với bé.
- Mẹ đỡ mông bé.
Cách nâng bầu vú khi cho trẻ bú:
- Ngón tay cái mẹ để trên vú.
- Các ngón tay còn lại tựa vào bầu ngực phía dưới vú.
- Ngón tay trỏ nâng vú.
Hướng dẫn mẹ giúp trẻ ngậm bắt vú đúng:
- Chạm vú vào môi trên của trẻ.
- Đợi đến khi miệng trẻ mở rộng.
- Đưa miệng của trẻ vào vú sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.
Lời khuyên cho các bà mẹ cho con bú
- Luôn giữ tâm trạng vui vẻ thoải mái
- Chọn tư thế thích hợp sao cho cả mẹ và con cảm thấy thoải mái nhất.
- Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, cố gắng cho trẻ bú ngay sau khi sinh.
- Chú ý chăm sóc đầu nhũ tránh không để đầu nhũ bị tổn thương.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để đảm bảo cả về chất và lượng sữa.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng.
- Hạn chế các thức ăn có nhiều gia vị ( hành, tỏi, ớt...), không hút thuốc lá, không uống rượu và cà phê.
- Tránh lao động quá sức.
- Khi cho con bú nếu cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên tự dùng thuốc vì có thể gây nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
5. Cách Massage Cho Bé
Massage giúp bé phát triển xương, cơ bắp và cảm thấy thư giãn. Để massage bé sơ sinh đúng cách, mẹ hãy tham khảo clip hướng dẫn sau đây :
- Đặt bé lên giường và dùng dầu thực vật massage nhẹ nhàng.
- Bắt đầu từ chân, cánh tay, ngực và cuối cùng là lưng bé.
6. Cách Tắm Cho Bé
Việc tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, không chỉ giúp bé loại bỏ được những bụi bẩn trên cơ thể mà còn kích thích sự lưu thông máu, giúp cho các cơ quan trong hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ thống tuần hoàn hoạt động và phát triển tốt hơn.
Xem thêm: Dịch vụ Tắm bé sơ sinh tại nhà TP Hồ Chí Minh
Chuẩn bị trước khi tắm
Trước khi tắm cho bé, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ những vật dụng sau:
- Dụng cụ tắm cho bé: 2 thau tắm, sữa tắm gội sơ sinh, bông tắm, dưỡng da dành cho em bé.
- Quần áo của bé, tã, 2 khăn xô nhỏ, tất, bao tay, mũ.
- Bông gòn/tăm bông, gạc y tế và dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh vùng rốn và những vết thương (nếu có) cho bé.
- Thau tắm đã chứa nước ấm khoảng 36-37℃. Nếu có thể mẹ nên có một chiếc nhiệt kế để đo chính xác nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh tránh để nước quá nóng hay quá lạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé; nếu không dùng khuỷu tay cảm nhận độ nóng vừa đủ để tránh làm bỏng da bé.
- Phòng tắm sạch sẽ, kín gió, đủ ánh sáng và có nhiệt độ khoảng 29-30℃.
Hướng dẫn các bước tắm cho trẻ sơ sinh chi tiết
Sau khi đã chuẩn bị đủ các dụng cụ cần thiết, quá trình tắm chỉ nên kéo dài từ khoảng 5 phút, bố mẹ có thể tắm cho bé theo thứ tự các bước sau:
- Đối với hình thức tắm thả: Mẹ bắt đầu tắm cho trẻ theo thứ tự từ trên xuống, từ mặt, cổ, lòng bàn tay, ngực, bụng, lưng, hai bên đùi, mông và bàn chân, tránh bỏ sót phần hõm nách, các nếp lằn ở mông, đùi, cánh tay, cổ. Sau đó, mẹ vệ sinh bộ phận sinh dục và phần hậu môn cho bé. Cuối cùng mẹ tráng lại người cho bé bằng chậu nước sạch bên cạnh (đã chuẩn bị trước đó). Sau khi tắm xong, mẹ lau khô người cho bé, vệ sinh lại vùng rốn bằng nước muối sinh lí (nếu rốn bị ướt), cho bé mặc quần áo, quấn tã giữ ấm. Tiếp đến mẹ bắt đầu gội đầu và vệ sinh vùng tai cho bé;
- Đối với hình thức tắm từng phần: Mẹ nên tắm cho trẻ theo hình thức này nếu trẻ đang bị ốm hay thời tiết quá lạnh. Khi tắm, mẹ sẽ lau người bé theo thứ tự từ khóe mắt vòng ra vành tai, tiếp đến là cổ, hõm nách, lòng bàn tay, ngực, bụng, lưng, đùi, mông (chú ý vệ sinh sạch các nếp lằn ở mông, đùi) và bàn chân. Sau đó, mẹ dùng một bông gạc hay khăn mềm vệ sinh bộ phận sinh dụng và phần hậu môn cho bé. Trong suốt quá trình này, mẹ tránh làm ướt rốn của bé. Sau khi tắm xong, mẹ lau người và mặc quần áo, quấn tã cho bé. Sau cùng, mẹ gội đầu cho bé khi đã được ủ ấm.
- Gội đầu cho bé: Mẹ nên sử dụng dầu gội chuyên dụng cho trẻ trong từng giai đoạn cụ thể. Mẹ có thể xoa dầu gội vào tóc của bé hoặc trực tiếp lên da đầu của bé một cách nhẹ nhàng và sau đó, làm sạch bằng khăn ướt. Tiếp đến, mẹ ngã đầu bé ra sau một cách nhẹ nhàng, giữ một tay trên trán bé và rửa sạch dầu gội bằng cách cho nước ấm chảy nhẹ nhàng từ trán tràn qua hai bên đầu của bé.
Chăm sóc bé sau khi tắm
Sau khi tắm xong, mẹ lau lại vùng mắt cho bé theo hướng từ khóe mắt đến đuôi mắt bằng bông/gạc thấm nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý. Lưu ý, mỗi bên mắt, mẹ nên sử dụng một miếng gạc riêng, không dùng chung gạc cho hai bên mắt. Sau đó, mẹ nên nhỏ 1 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mắt và mũi của bé. Quá trình này nên được thực hiện hàng ngày để tránh tình trạng nhiễm khuẩn mắt ở trẻ. Cần phải vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn, nếu vệ sinh sai cách có thể vô tình gây ra nhiều phiền toái hơn cho mắt của trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ nên dùng tăm bông lau khô vành tai bé (không lau phía bên trong tai) và vệ sinh vùng xung quanh cuống rốn bằng tăm bông đã thấm nước muối sinh lý để tránh tình trạng viêm nhiễm trùng cuống rốn.
Để giữ ấm cho bé, mẹ có thể xoa dầu tràm vào 2 bàn tay rồi chà nhẹ lên người bé, phần ngực, lưng, lòng bàn tay, bàn chân. Sau đó mẹ đeo bao tay, bao chân vào cho bé, ôm bé để ủ ấm cho bé.
7. Cách Ru Bé Ngủ
Đối với những ba mẹ trẻ lần đầu lên chức, việc ru trẻ sơ sinh ngủ không hề dễ dàng. Giúp bé ngủ đúng giờ giấc là thử thách lớn. Để làm được điều này, ba mẹ hãy áp dụng những cách sau:
Vuốt ve bé
Khi đặt bé vào giường hay cũi, mẹ đừng quên đặt tay nhẹ nhàng lên bụng, tay và đầu bé vuốt ve, dỗ dành con. Hành động nhỏ này sẽ khiến bé có cảm giác an tâm như luôn có mẹ bên cạnh khi ngủ.
Hát ru
Hát ru là phương pháp truyền thống từ xa xưa của người Việt Nam và còn được áp dụng cho đến ngày nay. Không quan trọng là mẹ hát hay hay không, mẹ hãy chọn một bài hát với giai điệu nhẹ nhàng và hát ru cho con. Hát ru luôn là cách cực kì hữu hiệu để vỗ về và ru trẻ sơ sinh ngủ. Đây cũng là cách tạo nên sự gắn kết cảm tình kì diệu giữa hai mẹ con nữa đó!
Kể chuyện cho bé
Cũng như hát ru, mẹ hãy chọn và kể cho bé nghe với chất giọng nhẹ nhàng, đều đều sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn và nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Đây cũng là một thói quen, cách ru trẻ sơ sinh ngủ hiệu quả mẹ nên duy trì nhé!
Ủ ấm bé
Trẻ sơ sinh vốn quen thuộc với môi trường ấm áp, an toàn trong tử cung mẹ. Do đó, việc bé được bảo bọc trong chiếc chăn trẻ em ấm áp sẽ khiến con cảm thấy an toàn, dễ chịu, ấm áp từ đó bé sẽ ngon giấc hơn.
Ôm ấp và vỗ về trẻ sơ sinh
Việc ôm bé vào lòng sẽ khiến con cảm thấy an tâm, cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ, nhờ đó giấc ngủ của bé cũng trở nên sâu và êm ái hơn.
Massage cho bé
Việc massage sẽ khiến trẻ có cảm giác thư giãn, thoải mái và dễ dàng đi ngủ hơn. Do đó, mẹ hãy massage nhẹ nhàng khoảng 15p mỗi ngày để vừa giúp con ngủ ngon hơn, vừa tăng cường tuần hoàn máu giúp cơ thể và trí não con phát triển tốt hơn nhé.
8. Cách Thay Tã Cho Bé
Thay tã đúng cách giúp bé thoải mái và tránh nhiễm trùng. Khi thay tã, mẹ cần:
- Đảm bảo tã không cao hơn rốn bé và mép tã luôn ở dưới rốn.
- Lau từ trước ra sau, đặc biệt là bé gái, để tránh nhiễm trùng.
- Kiểm tra thường xuyên và giữ vùng da quấn tã khô, thoáng.
9. Cách Liên Kết Với Bé
Liên kết với bé sơ sinh rất quan trọng. Mẹ nên:
- Thực hiện cảm giác da kề da để tạo sự gắn bó.
- Nhìn vào mắt bé và nói chuyện với bé, dù bé chưa hiểu.
- Hát ru, massage và chơi với bé để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa mẹ và con.
10. Mẹ Cần Phải Tự Chăm Sóc Bản Thân Tốt
Trong 30 ngày đầu sau khi sinh, sức khỏe của mẹ rất quan trọng. Để đảm bảo đủ sức chăm con, mẹ cần:
- Ăn uống đủ chất để phục hồi sức khỏe và có đủ sữa cho bé.
- Ngủ khi bé ngủ để đảm bảo giấc ngủ đủ và phục hồi năng lượng.
Những kỹ năng trên sẽ giúp các bậc cha mẹ mới tự tin hơn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, mang lại sự an toàn và phát triển toàn diện cho bé.